[ad_1]
Cúc, hồng và một số loài hoa khác của huyện Mê Linh được giới thiệu với du khách trong ba ngày lễ hội.
Cách trung tâm Hà Nội 30 km, làng hoa Mê Linh thuộc xã Mê Linh rộng hơn 2.000 ha, là nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc và được ví như thủ phủ của các loài hoa.
Lễ hội hoa Mê Linh năm 2022 chủ đề “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” diễn ra trong 3 ngày, từ 9 đến 11/12 tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. Lễ hội được dàn dựng trên quy mô 4.300 m2 với 10 cụm nghệ thuật sắp đặt, trang trí tại khu vực đường kéo quân cổng đền Hai Bà Trưng.
Đây là lần đầu tiên huyện Mê Linh tổ chức lễ hội hoa nhằm trưng bày, giới thiệu các loại hoa, sản phẩm từ hoa, cây cảnh, nghệ thuật sắp đặt, trang trí hoa… của các nghệ nhân tới du khách. Các loại hoa ở lễ hội 100% từ các nhà vườn trong huyện.
Ông Đặng Chu Đồng, 64 tuổi, thôn Hạ Lôi 4, một người trồng hoa lâu năm tại đây, cho hay thổ nhưỡng và khí hậu của huyện Mê Linh thích hợp trồng các loại hoa hồng, cúc…
“Hồng là loài hoa mất nhiều công chăm sóc, với những cây hồng bonsai càng đòi hỏi sự kỳ công hơn. Hiện huyện có gần 1.300 ha đất sản xuất hoa trong đó diện tích canh tác hoa hồng ở đây chiếm khoảng 93%. Hồng bonsai sử dụng gốc của hồng của các loại hoa hồng khác nhau. Đất trồng hồng bonsai phải là đất sạch, tơi xốp”, ông Đồng giới thiệu về gốc hồng Sapa cổ tuổi thọ hàng chục năm.
Hoa hồng nở quanh năm, thời tiết càng rét hoa càng thơm và càng thắm màu. Mùa hè hoa vẫn nở, nhưng thời tiết nóng hoa sẽ không thật màu. Mỗi lứa hoa thường nở cả tháng, sau khi hoa tàn người dân phải cải tạo lại đất, gốc… để tiếp tục đợt mới.
Đất trồng hoa hồng đã được phủ khắp 11 xã của huyện Mê Linh. Đặc biệt huyện Mê Linh đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình hoa hồng chất lượng cao với khoảng 350 ha tại các vùng bãi các xã như: Văn Khê, Tráng Việt, Tiền Phong, khu vực đền thờ Hai Bà Trưng, đến các xã như Tiến Thịnh, Đại Thịnh, Mê Linh…
Mê Linh còn nổi tiếng với giống cúc đại đoá. Đây là giống cúc nhập nhưng thích nghi tốt ở điều kiện thời tiết. Hoa cúc trồng khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch một vụ. Trong quá trình trồng do sâu bệnh nhiều nên 8 ngày phải phun thuốc diệt.
“Cúc đại đóa ở Mê Linh có bông to, cánh hoa dày, thơm và lâu tàn. Hoa được trồng bằng mầm nên có khả năng kháng bệnh, cây lên nhanh, giảm thời gian sinh trưởng. Gia đình tôi có 8 sào (gần 3.000 m2) trồng hoa cúc, mỗi năm hai vụ. Thời tiết tốt nhất trồng hoa là 28 độ. Mùa đông đang vào thời điểm đẹp nhất. Hoa cúc là loài cây chủ lực mang lại kinh tế cho gia đình 4 người, tổng thu nhập năm từ 300 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Nhất, xã Đại Bái, Đại Thịnh cho biết.
Tuỳ theo gia đình, mỗi năm có thể trồng từ 2 đến 3 vụ. Cúc sau khi thu hoạch được phân phối chính cho thị trường Hà Nội. Các lái buôn trong vùng cũng thu gom và chọn lọc đẻ đưa hoa đi tiêu thụ ở Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Lễ hội hoa Mê Linh năm nay có con đường trái tim dài 20 m được trang trí từ hoa hồng.
Lễ hội còn có sự kết hợp của các thác hoa cao 4 m. Sự tương tác của nghệ thuật ánh sáng và hoa được các nghệ nhân nghiên cứu để tạo ra những không gian đẹp với người tham quan. Đây cũng là nơi chụp ảnh lý tưởng cho du khách.
Không tham dự lễ hội, du khách vẫn có thể chụp ảnh bên cánh đồng hoa hướng dương trong khuôn viên đền Hai Bà Trung.
Hiện Mê Linh có khoảng 430 ha đất trồng hoa, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn (50 ha trở lên) tại các xã Đại Thịnh, Mê Linh, Văn Khê và Thanh Lâm, chủ yếu là hoa hồng (chiếm 90% diện tích), ngoài ra còn một số loại hoa khác, như cúc, huệ, lan, ly, loa kèn, hướng dương.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long