Tạo “mùa vàng” cho ngành Du lịch

16 November, 2022

[ad_1]

Cũng như nhiều địa phương trong nước, du lịch Quảng Ninh đang ở mùa thấp điểm. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa – thể thao độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, phát triển sản phẩm mới hấp dẫn, mở rộng không gian du lịch, thị trường khách…, từng bước hình thành thương hiệu “Điểm đến 4 mùa”.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc
Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Bản tình ca mùa vàng” khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022. Ảnh: Nguyễn Dung

Một điểm đến, đa dịch vụ

Vừa qua, Quảng Ninh đã đăng cai tổ chức hàng loạt các sự kiện: Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; Hoa hậu biển đảo Việt Nam 2022… Các sự kiện này đã trở thành cơ hội để quảng bá du lịch Quảng Ninh điểm đến “thân thiện, an toàn, hấp dẫn”.

Ngoài các sự kiện, những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, thu hút cũng được các đơn vị tung ra. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng sẵn có để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách, như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, du lịch chăm sóc sức khỏe… Đặc biệt, những chương trình ưu đãi với mức giá hấp dẫn, đi kèm dịch vụ tiện ích là “điểm cộng” để thu hút du khách.

Tại Khu nghỉ dưỡng suối nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả), du khách được hưởng mức giá ưu đãi chỉ 1,2 triệu đồng cho các dịch vụ tắm khoáng nóng, ăn tự chọn, phòng nghỉ và các hoạt động đa dạng khác. Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí), các chương trình ưu đãi mùa thu – đông cũng là lựa chọn của nhiều du khách. Theo ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, bên cạnh cung cấp nơi nghỉ dưỡng chất lượng cao, đơn vị có những dịch vụ chăm sóc sức khỏe được du khách yêu thích, như: Ngâm chân thảo dược sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa; lớp yoga, thiền; xông ướt am thảo dược, tắm mưa liên vũ, xông khô am đá muối… Với không gian thanh bình, kiến trúc mang đậm truyền thống, khí hậu trong lành, nơi đây được nhiều đơn vị trong và ngoài nước lựa chọn là địa điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm, triển lãm, sự kiện văn hóa…

Du khách trải nghiệm dịch vụ tại khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh.
Du khách trải nghiệm dịch vụ tại Khu nghỉ dưỡng suối nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Nhiều địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thu hút du khách dịp cuối năm bằng các sản phẩm du lịch mới lạ và sự kiện văn hóa – thể thao hấp dẫn. Tại thành phố thủ phủ Hạ Long, mùa thu – đông này, du khách tiếp tục được trải nghiệm một sản phẩm du lịch mới, như Phố đêm du thuyền tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (khai trương tháng 4/2022), hoạt động từ 17h-23h hằng ngày, quy tụ gần 30 tàu đẳng cấp 4-5 sao, đưa du khách vào hải trình khám phá thành phố biển Hạ Long. Du khách còn được thưởng thức show “Đêm nhạc trên thông” – mô hình sân khấu ca nhạc nhẹ với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng trong nước. Sắp tới, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng được đưa vào khai thác. Tập đoàn Tuần Châu đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm với nhiều công trình được đầu tư bài bản, quy mô, độc đáo, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, từ đó góp phần hình thành “thiên đường đêm Hạ Long”.

Với việc khai thác thế mạnh địa phương, nhiều sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng riêng có đã được Quảng Ninh chú trọng. Trong đó, huyện Bình Liêu là địa phương nổi bật với những cách làm du lịch ấn tượng, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Vào dịp cuối năm, Bình Liêu mang vẻ đẹp yên bình mùa thu vùng cao với các cung đường thơm mùi lúa chín từ những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài; những đồi lau trắng xóa, làm nức lòng du khách. Bình Liêu còn nhiều địa điểm đẹp khác, như: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, mốc 1327 (xã Đồng Văn); Cửa khẩu Hoành Mô (xã Hoành Mô) và nhiều cột mốc biên giới khác ở cung đường phía Tây Bình Liêu

Trên cơ sở khai thác vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người, huyện Bình Liêu còn tổ chức nhiều sự kiện thu hút du khách từ nay đến cuối năm, như: Hội Mùa vàng; Giải chạy phong trào “Cung đường Mùa vàng”; Dù lượn “Bay trên Mùa vàng”; Cuộc thi “Ảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu”; Giải “Chinh phục sống lưng khủng long – mốc 1305”; Phiên chợ đêm; Tuần Văn hóa du lịch Bình Liêu năm 2022… và nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao khác.

Đại biểu các nước thành viên EATOF tham quan Vịnh Hạ Long.
Đại biểu các nước thành viên EATOF tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: Đào Linh

Cùng với nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, việc mở rộng không gian du lịch cũng được ngành Du lịch tỉnh cùng các địa phương tập trung thực hiện. Tháng 10/2022, TP Cẩm Phả đón gần 1.000 du khách trải nghiệm team building, khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực. Đây là một trong những đoàn khách lớn từ đầu mùa thu – đông năm nay. Thay vì lựa chọn trung tâm du lịch Hạ Long, địa điểm tổ chức các hoạt động lần này là TP Cẩm Phả – một điểm đến khá mới mẻ cho các hoạt động MICE (kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện…) đông người.

Ông Dhananjaya, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Linea Aqua Việt Nam, cho biết: “Nơi đây đẹp hơn nhiều so với những gì chúng tôi thấy qua các clip. Con người nồng hậu, thiên nhiên gần gũi, các trải nghiệm rất thú vị và đáng nhớ. Đây thực sự là hành trình tuyệt vời, sẽ là những kỷ niệm khó quên của chúng tôi. Thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại để thưởng thức những vẻ đẹp khác của Quảng Ninh”. 

Trên thực tế, phần lớn khách du lịch đến Quảng Ninh hiện vẫn tập trung ở trung tâm du lịch TP Hạ Long, chưa có sự phân bổ đồng đều. Việc thu hút du khách, xúc tiến đầu tư cho các điểm đến vệ tinh lân cận là định hướng đúng đắn, tạo động lực cho ngành Du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững. Tỉnh đã chủ động phát triển 4 không gian du lịch trọng điểm: Hạ Long – Uông Bí; Đông Triều – Vân Đồn; Cô Tô – Móng Cái; Bình Liêu – Tiên Yên, gắn liền với 4 sản phẩm chính: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái; du lịch biên giới. Cùng với đó, thúc đẩy du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, phát huy lợi thế hạ tầng giao thông, khai thác các đặc thù, riêng có của từng địa phương, tạo thành chuỗi các điểm đến bản sắc xuyên suốt toàn tỉnh.

Bức tranh du lịch sôi động

Cũng giống như nhiều trung tâm du lịch cả nước, 10 tháng năm 2022, mặc dù du lịch Quảng Ninh đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, song vì nhiều yếu tố, thị trường khách quốc tế lại phục hồi chậm so với kỳ vọng, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng du khách đến Quảng Ninh. Vì vậy, đẩy nhanh sự phục hồi, hút du khách quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng được ngành Du lịch tỉnh tập trung thời gian tới.

Tàu Le Laperouse (Pháp) cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Tàu biển 5 sao Le Lapérouse (Pháp) chở đoàn khách quốc tế đến Hạ Long sau gần 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, tháng 10/2022.

Kết quả mà ngành Du lịch tỉnh vừa được đón nhận chính là những vị khách châu Âu đầu tiên trên chuyến tàu biển 5 sao Le Lapérouse (Pháp) đã trở lại Việt Nam sau gần 3 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Gần 200 du khách và thuyền viên đã có trải nghiệm đáng nhớ tại TP Hạ Long.

Ông Ludovic Provost, Thuyền trưởng tàu Le Lapérouse, cho biết: Sự trở lại của các chuyến tàu biển cũng là kỳ vọng của nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam, bởi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, nhưng nhiều nước đã và đang phục hồi, gần như trở lại trạng thái bình thường trước đây. Tôi đã đi qua nhiều nước trên thế giới và là chuyến tàu biển đầu tiên đến Việt Nam, cho chúng tôi cảm giác như được trở lại bình thường. Quảng Ninh, Việt Nam là một trong những điểm đến ấn tượng khi có cảng tàu đón được tàu trọng tải lớn, vị trí đắc địa và nằm ngay cạnh Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Số lượng du khách đến Hạ Long qua tàu biển chắc chắn sẽ tăng lên và mở ra khởi đầu mới ấn tượng cho du lịch tàu biển nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Sự trở lại của tàu biển đưa khách quốc tế đến Việt Nam là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi du lịch và mở đầu cho mùa du lịch tàu biển, nhất là ở một địa phương có thế mạnh du lịch như Quảng Ninh. Đặc biệt, Vịnh Hạ Long nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, gần với Trung Quốc, nơi có cảng biển trung chuyển của nhiều hãng tàu quốc tế.

Không chỉ chủ động khai thác tối đa hạ tầng cảng biển để đón khách từ các chuyến tàu biển, ngành Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối đường bay nội địa và quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (đường bay Vân Đồn – Đà Nẵng, Vân Đồn – Cần Thơ; Vân Đồn – Gangwon (Hàn Quốc); Vân Đồn – Hokkaido (Nhật Bản); xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phát triển hoạt động du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Theo đó, phát huy có hiệu quả việc khai thác các điểm du lịch dọc tuyến đường cao tốc; xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp chào bán cho khách du lịch đến các điểm du lịch trên trục đường cao tốc. Cùng với đó, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí đến khảo sát, tuyên truyền về các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch của tỉnh.

Trước những tiềm năng và cơ hội đầy hứa hẹn, Quảng Ninh đã điều chỉnh chỉ tiêu đón khách du lịch từ 10 triệu lượt  lên 11,5 triệu lượt so với kế hoạch đầu năm 2022. Đây là sự điều chỉnh hoàn toàn có cơ sở khi nguồn khách vẫn còn nhiều dư địa tích cực, dù Quảng Ninh đang bước vào mùa du lịch thấp điểm. Bởi 10 tháng năm 2022, Quảng Ninh đã đón khoảng 9,5 triệu lượt khách, tăng gấp 3,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là địa phương đứng thứ 2 trong nước về thu hút khách du lịch.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Phương
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Phương

Để đạt được mục tiêu đó, ngành Du lịch tỉnh đã chủ động tổ chức hàng loạt các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Khác với trước đây, dịp cuối năm ngành Du lịch chủ yếu khai thác khách quốc tế, thì nay thị trường khách nội địa và quốc tế có vai trò quan trọng ngang nhau. Chúng tôi tiếp tục chủ động phát huy hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương và tập trung vào thị trường khu vực phía Nam. Cùng với đó, khai thác các thị trường quốc tế đang có những dấu hiệu tăng trưởng tốt, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Sức hấp dẫn của các điểm đến Hạ Long, Uông Bí, Bình Liêu, Móng Cái đang lan tỏa rất mạnh mẽ. Đó là những cơ hội đầy triển vọng để hiện thực hóa mục tiêu 11 triệu lượt khách trong năm 2022. Trong 2 tháng để phấn đấu 1,5 triệu lượt  khách, không phải là việc khó với du lịch Quảng Ninh.

Đối với thị trường nội địa, Sở Du lịch tổ chức chương trình làm việc, kết nối kích cầu du lịch Quảng Ninh tại một số tỉnh, thành phố trong nước; đặc biệt chú trọng vào các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp lữ hành lớn có uy tín, các hãng hàng không. Theo đó, Sở thực hiện các chương trình hợp tác với một số tập đoàn kinh tế lớn, như: Dầu khí, Điện lực, Xi măng, TKV…; xây dựng các chương trình du lịch phù hợp thu hút khách từ các tập đoàn này, nhất là nhóm khách từ một số địa phương ở khu vực phía Nam, trung tâm kinh tế; các doanh nghiệp tại KCN tại một số tỉnh trong khu vực phía Bắc, Đông Bắc và Nam Bộ, trọng tâm như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai…; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để đưa du khách đến Quảng Ninh.

Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, đại diện Tập đoàn SunGroup ký kết hợp tác với Hiệp hội du lịch Changwon và Thành phố Changwon (Hàn Quốc). Ảnh: Quốc Thắng
Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, đại diện Tập đoàn SunGroup ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Changwon và TP Changwon (Hàn Quốc), tháng 11/2022. Ảnh: Quốc Thắng

Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương để thực hiện các giải pháp thu hút du khách đến Quảng Ninh trong năm 2022 và định hướng các năm tiếp theo. Trong đó, tập trung triển khai quảng bá du lịch Quảng Ninh tại Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; tổ chức chương trình làm việc, xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…, nhằm mục tiêu mở được các chuyến bay trực tiếp từ thị trường này đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, sau tác động của dịch Covid-19, quan điểm “bền vững” được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại việc chú trọng phát triển cân bằng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mà còn là ứng phó nhanh, linh hoạt với khủng hoảng. Các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch sẽ lựa chọn các giải pháp phát triển bền vững để nâng cao năng lực đối phó với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Có lẽ, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi, thích nghi và chủ động hơn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, tìm kiếm và phát triển thị trường khách. Từ đó, tạo nên một bức tranh du lịch sôi động, đa sắc với những gam màu mới mẻ, trẻ trung, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói”, không ngừng khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long

Tin tức khác

  • Luxury cruise services to be launched in Bai Tu Long Bay in May

    25 June, 2024

  • Bai Tu Long National Park – the masterpiece of nature

    19 June, 2024

  • Vietnam’s largest round chả mực (squid cake) recorded in Quang Ninh

    11 June, 2024