EN|VN

Mùa cam ngọt ở Vạn Yên

27 December, 2022

[ad_1]

Xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) những ngày này là điểm đến tấp nập của nhiều loại phương tiện. Hàng tấn cam được chuyển từ các vườn tỏa đi khắp mọi nơi mỗi ngày. Cam Vạn Yên đang mùa chín ngọt.

Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên thu hoạch cam.
Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên tự tay thu hoạch cam trong vườn.

Những ngày cuối tuần dịp này vườn cam 68 của ông Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu) thường đón khoảng 500 khách. Các loại phương tiện nườm nượp đến rồi đi. Đó là chưa kể thương lái vào thu mua cam để chuyển bán ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Hậu cho biết: 500 khách/ngày vẫn chưa phải là nhiều. Thời điểm này năm 2021, có những ngày vườn chúng tôi đón khoảng 1.000 khách từ khắp nơi trong tỉnh. Năm nay đường vào thôn đang mở rộng, cộng với sự thay đổi của thời tiết khiến cam chín chậm hơn mọi năm, tổng sản lượng cam của cả xã Vạn Yên đều đạt thấp hơn so với năm ngoái.

Vườn cam 68 của ông Hậu có diện tích 11ha với hơn 6.000 gốc, hiện đang trồng các giống: Cam giấy địa phương, cam đường địa phương, cam lòng vàng, cam V2 chín muộn, cam canh. Ông Hậu cũng đang trồng một loại giống mới để thay thế một số giống không hiệu quả.

Vườn cam sai trĩu quả nhà ông Trần Văn Hậu.
Vườn cam sai trĩu quả nhà ông Trần Văn Hậu.

Cây cam là cây trồng mũi nhọn của xã Vạn Yên, cả xã có khoảng 200ha trồng cam. Mặc dù tổng sản lượng năm 2022 nhìn chung thấp hơn mọi năm, thế nhưng sản lượng cam nhà ông Hậu ước tính vẫn thu được khoảng 45-48 tấn, gần gấp đôi so với năm ngoái. Theo ông Hậu, giá cam nhỉnh hơn, nhưng mức độ tiêu thụ của thị trường lại trầm hơn. “Nhà tôi hiện vẫn còn khoảng 2/3 số cam chưa hái” – ông Hậu cho biết.

Ông Trần Văn Hậu cũng là Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên, một trong 2 HTX trồng cam của xã Vạn Yên. Đây là 2 HTX được định hướng trở thành đầu mối áp dụng, lan toả kỹ thuật trồng cam trên địa bàn. Không chỉ cùng kiểm soát chất lượng, các HTX còn làm chủ kỹ thuật chiết, ghép cây, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mùa vụ, tiêu thụ sản phẩm…

Trước đây, đầu ra cho cam Vạn Yên hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, vì bị ép giá, cộng với chưa thuần thục các kỹ thuật trồng (nhiều hộ chỉ trồng theo phong trào), nên hiệu quả kinh tế thấp, không ít người phải bỏ vườn để chuyển đổi giống cây trồng khác.

Tuy nhiên giờ đây, cùng với xu thế thị trường, cam Vạn Yên không những ngày càng được người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn, mà việc tự tay hái những quả cam vàng chín mọng, với các dịch vụ ăn uống, check-in, du lịch sinh thái ngay tại vườn cũng là một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn đối với du khách. Mô hình này không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ, mà còn là hình thức lan tỏa thương hiệu cam Vạn Yên hết sức hiệu quả.

Chị Vi Thùy Linh (TP Hạ Long) hào hứng chia sẻ: Mặc dù giá cam tại vườn không rẻ hơn mua tại chợ. Thế nhưng chúng tôi vẫn thích được đến tận vườn, tự tay hái quả, chụp ảnh check-in, đến bữa thì ngồi ngay dưới gốc cam, cùng nhau thưởng thức món gà nướng do chính người dân nơi đây cung cấp, khi về thì mua làm quà hoặc ăn dần. Tôi nghĩ, đây là một trải nghiệm khá thú vị. Tôi luôn mong chờ mùa cam Vạn Yên hằng năm, bởi thích vị chua, ngọt đặc trưng của cam Vạn Yên.

Giá cam Vạn Yên thời điểm này khoảng 35.000 đồng/kg. Đây cũng là giống cây trồng bản địa được huyện Vân Đồn hết sức chú trọng, xây dựng đề án riêng để phát triển, trong đó, chú trọng chất lượng quả cam, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, đóng gói, đảm bảo quy trình an toàn đối với một sản phẩm OCOP có tiếng ở địa phương.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long

Tin tức khác

  • Luxury cruise services to be launched in Bai Tu Long Bay in May

    25 June, 2024

  • Bai Tu Long National Park – the masterpiece of nature

    19 June, 2024

  • Vietnam’s largest round chả mực (squid cake) recorded in Quang Ninh

    11 June, 2024