[ad_1]
Nằm trong khuôn khổ Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của TP Cẩm Phả năm 2022 với chủ đề “Hội tụ Văn hóa thợ mỏ – Lan tỏa tình người vùng than”, chợ quê trong lòng phố mỏ Cẩm Phả mang chủ đề “Hương sắc ẩm thực phố mỏ Cẩm Phả” để lại dấu ấn và nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng du khách và người dân địa phương.
Chợ quê ngày hội có gần 30 gian hàng, trong đó 16 gian hàng chủ đạo của các phường, xã giới thiệu và bán các món ăn sẵn mang tính đặc trưng riêng của địa phương. Chợ quê được tổ chức tại Quảng trường 12/11, là khu vực chính của phố đi bộ, điểm hẹn hàng ngày vui chơi của đông đảo người dân TP Cẩm Phả. Công trình đã được triển khai mở rộng từ cuối năm 2019 trên diện tích 5,9ha, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng với điểm nhấn là tượng đài “Vinh quang thợ mỏ Việt Nam” cao 15,5m uy nghi tráng lệ.
Cẩm Phả đã lên thành phố từ hơn chục năm nay. Giờ đây, chợ quê lại tái hiện giữa lòng thành phố khiến nhiều người thú vị. Phường Cẩm Tây nằm giữa trung tâm thành phố đưa ra mô hình chợ quê với chủ đề “Về quê miền dâu da”. Những người đã đứng tuổi ở Cẩm Phả không thể quên những hàng dâu da một thời chạy dọc theo dãy phố. Cố nhà thơ, nhạc sĩ Ngô Tiến Cảnh đã đưa hàng dâu da phường Cẩm Tây vào trong ca khúc “Về với quê anh Cẩm Phả” của ông, qua câu hát “Trăng sáng mơ màng đường hoa dâu da/ ríu rít tiếng cười vào đêm ca ba…”, đã in vào trong lòng bao thế hệ người dân Cẩm Phả.
Tuy Cẩm Tây đã hiện đại lên nhiều, nhưng những hàng dâu da cũng vẫn còn đó, lác đác ở phố Lê Lợi và phố Lê Hồng Phong (phường Cẩm Tây). Những đứa trẻ ngày nay cuộc sống vật chất đã no đủ, chắc không còn nghĩ đến chuyện trèo lên cây dâu da hái chùm quả chua chua, dôn dốt để ăn, như trẻ con ngày xưa nữa. Vậy là những hàng dâu da cho phố đi bộ thêm thơ mộng vẫn cứ sai quả, rồi chín đỏ ối. Bây giờ người ta ngắm quả dâu da để gợi nhớ một thời tuổi thơ chứ không ai ăn.
Cẩm Tây có chợ quê một thời gọi là chợ Mới, cái tên từ thời bao cấp để phân biệt với chợ Cũ ở phường Cẩm Đông. Chợ Mới, ngày nay tuy không thuận tiện giao thông, nhưng vẫn đông đúc bởi nhiều người vẫn thích đến đó để ăn các món ăn dân dã vùng quê như bún đậu mắm tôm, bánh đa kê, bánh chưng gù… Vì thế, gian hàng chợ quê Cẩm Tây cũng nhiều món ăn truyền thống gợi nhớ một thời.
Xã Dương Huy có thế mạnh của vùng quê Cẩm Phả. Dương Huy có đông dân tộc anh em sinh sống. Dân tộc Sán Dìu ở Dương Huy ngày nay họ vẫn giữ được truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Vậy là gian hàng chợ quê của xã Dương Huy có nhiều món ăn mang bản sắc dân tộc như bánh dày, thịt khau nhục, bánh tài nồng ệp… Dương Huy rất nổi tiếng với món thịt trâu Dương Huy được rất nhiều thực khách biết đến.
Vậy là các xã phường đều đã trưng bày các món ẩm thực một thời của mình ở chợ quê, tuy chợ chỉ hoạt động khoảng 1 tuần, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Cẩm Phả, cho biết: Hội chợ quê nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP Cẩm Phả năm 2022 với chủ đề “Hội tụ văn hóa thợ mỏ, lan tỏa tình người vùng than”. Đặc biệt, chợ quê không có hàng hoá xuất xứ nước ngoài, chỉ có hàng Việt, mục đích tôn vinh hàng Việt, là một hình thức tuyên truyền cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa truyền thống của quê hương Cẩm Phả với sự kết nối, hội tụ, giao thoa bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc, tính cách hào sảng của con người Cẩm Phả. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết, tạo không khí sôi nổi, động viên tinh thần, cổ vũ nhân dân các dân tộc thành phố thi đua lao động sản xuất, chung sức phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu đưa Cẩm Phả trở thành đô thị loại I vào năm 2030 và hướng tới phát triển chợ đêm và tạo nên sắc thái riêng của phố đi bộ Cẩm Phả.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long