[ad_1]
Cảnh vật, con người An Giang mùa lúa chín, mùa nước nổi dịp cuối năm mang vẻ đẹp bình dị rất riêng.
Huỳnh Văn Thái (25 tuổi), sống tại TP Long Xuyên, ngoài làm dịch vụ chụp ảnh cưới, còn thường thực hiện các chuyến đi khám phá và chụp phong cảnh quê hương An Giang. Hiện Thái cũng là quản trị của nhóm “Lang thang An Giang” với gần 400.000 thành viên.
Bức ảnh trên Thái và đồng nghiệp chụp trên chợ nổi Long Xuyên. Chợ hoạt động nhộn nhịp từ sáng sớm, bán đủ các loại hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Một chuyến đi trải nghiệm bằng thuyền trên chợ nổi khoảng 200.000 đồng một thuyền 7-10 người.
Nhìn từ trên cao, những ô ruộng xanh xen lẫn chín vàng trên cánh đồng Tà Pạ, thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn như một bức họa đồng quê. Thái cho biết hai tuần nữa là lúa chín rộ, thu hút du khách và các nhiếp ảnh gia đến tác nghiệp.
Cây thốt nốt cô đơn điểm xuyết giữa ruộng lúa chín vàng xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn.
Thu hoạch nấm rơm ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới. Mô hình trồng nấm rơm tại đây được ưa chuộng, tận dụng nguồn rơm sau khi thu hoạch. Lúc cao điểm nấm rộ, có hơn 20 người tập trung hái nấm, vì nấm nhanh nở, thành nấm “dù” không bán được.
Trên những cánh đồng xả lũ, nước tràn đồng mang theo rất nhiều nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Trên ảnh là kéo vó tại thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, một trong những đề tài thú vị cho các nhiếp ảnh gia mỗi mùa nước nổi (tháng 9 đến hết tháng 11). Người dân không chỉ mưu sinh, cải thiện kinh tế từ tôm, cá, tép mà còn tăng thu nhập nhờ làm mẫu kéo vó.
Đi dọc miền quê An Giang không khó để bắt gặp những hàng cây thốt nốt vươn mình. Thốt nốt được trồng nhiều ở các huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên. Những người hay chụp ảnh sẽ biết đến “hàng thốt nốt huyền thoại” phía sau ngôi chùa Khmer Sđach Toth (Sà-Đách-Tót) thuộc xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Chụp hàng cây thốt và khung cảnh xung quanh vào mùa nào cũng đẹp, tuy nhiên vào mùa nước nổi có lẽ đẹp nhất khi hàng cây soi bóng trên mặt nước.
Hai cha con anh Thanh chăn vịt chạy đồng cuối mùa lũ gần cây thốt nốt ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên. “Chúng tôi phết lên lông vịt màu hồng để làm dấu, sao cho khác biệt với màu của các đàn vịt còn lại vùng, nếu bị nhầm đàn cũng dễ nhận ra vịt nhà mình. Đàn vịt màu hồng làm cánh đồng trở thành bức tranh sinh động, nhiều màu sắc”, anh Thanh nói.
Mùa hoa súng trắng. Đây là một loại súng ma, chỉ ra hoa vào mùa nước nổi thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.
Giăng lưới ngày lập đông bên bờ cỏ lau trắng thuộc ngoại ô TP Long Xuyên.
Cảnh len trâu mùa lũ ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên. Cảnh chăn thả đàn trâu giữa cánh đồng ngập nước của người miền Tây ngày nay không còn nhiều, trở thành hình ảnh đời thường gây thương nhớ.
Kéo lưới vây ở phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên.
Bà tư Này và bà năm Y đan rổ, một nghề truyền thống ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới.
“An Giang, vùng đất với nhiều bức tranh làng quê bình dị và người dân mến khách, giúp du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến hành trình miền Tây”, Thái chia sẻ.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long